ÁP DỤNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG PHÂN LOẠI HỒ SƠ HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT

Ngày 18/9/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 1388/QĐ-TCT về việc Áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Cơ quan Thuế sẽ bắt đầu áp dụng trong phạm vi cả nước kể từ ngày 25/10, hoạt động này nhằm ngăn chặn các hành vi và thủ đoạn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng ngày càng nhiều và tinh vi.

1. Nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT):

– Việc đánh giá xếp hạng rủi ro đối với người nộp thuế (NNT) để phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT; xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật, Bộ chỉ số tiêu chí và hướng dẫn thực hiện ban hành theo Quyết định 1388/QĐ-TCT.

– Có 3 loại nguồn thông tin được sử dụng để phân tích, đánh giá xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro, đó là:

  • Thông tin về NNT trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành thuế.
  • Thông tin về NNT thu thập được trong quá trình quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra NNT.
  • Thông tin về NNT do các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan cung cấp.

Các nguồn thông tin trên phải đảm bảo được cập nhật thường xuyên, đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu về NNT và ứng dụng quản lý rủi ro để đảm bảo việc phân tích, đánh giá, nhận diện NNT có dấu hiệu rủi ro được chính xác, kịp thời.

– Việc đánh giá, xếp hạng rủi ro đối với NNT được thực hiện hoàn toàn tự động, tập trung bằng ứng dụng quản lý rủi ro để phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT; thực hiện lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

– Thứ tự ưu tiên khi thực hiện phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau:

(1) Hồ sơ được rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế để xác định các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.

(2) Hồ sơ có dấu hiệu rủi ro thuộc một trong những chỉ số tiêu chí Nhóm I tại Phụ lục I được xác định là trường hợp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.

(3) Hồ sơ được phân tích, xếp hạng rủi ro cao theo bộ chỉ số tiêu chí do Tổng cục Thuế quy định thuộc chỉ số tiêu chí Nhóm II, Nhóm III tại Phụ lục I.

(4) Hồ sơ được phân tích, xếp hạng rủi ro cao theo bộ chỉ số tiêu chí do Cục Thuế lựa chọn.

(Phụ lục I được ban hành kèm theo Quyết định 1388/QĐ-TCT)

– Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT còn lại thuộc diện hoàn thuế trước được chuyển sang ứng dụng Quản lý rủi ro phân hệ lập kế hoạch thanh tra kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế để tiến hành theo dõi lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

– Trường hợp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính và các quy định, hướng dẫn về quản lý rủi ro, công chức thuế được miễn trừ trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật.

Phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT

2. Nội dung bộ chỉ số tiêu chí quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng:

Theo Điều 6 Quyết định 1388/QĐ-TCT năm 2023 quy định, bộ chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế được chia làm 03 nhóm:

– Nhóm I: Nhóm chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau

Là nhóm các chỉ số tiêu chí mà nếu người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro thuộc một (01) trong các chỉ số tiêu chí này thì hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT sẽ được thực hiện phân loại thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.

– Nhóm II: Nhóm chỉ số tiêu chí phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT theo phương pháp chấm điểm rủi ro

Là nhóm các chỉ số tiêu chí áp dụng phương pháp tính điểm, xếp hạng rủi ro. Trên cơ sở đó thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

– Nhóm III: Nhóm chỉ số tiêu chí theo yêu cầu quản lý của cơ quan thuế

Là nhóm các chỉ số tiêu chí áp dụng phương pháp chấm điểm rủi ro mà cơ quan thuế có thể lựa chọn bổ sung vào Bộ chỉ số tiêu chí đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.

Lưu ý: Tổng cục Thuế sử dụng các chỉ số tiêu chí Nhóm II và có thể lựa chọn thêm các chỉ số tiêu chí Nhóm III (nếu cần) để thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT có dấu hiệu rủi ro phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế. Bộ chỉ số tiêu chí do Tổng cục Thuế sử dụng được áp dụng toàn quốc.

Ngoài ra, Cục Thuế có thể xây dựng thêm Bộ chỉ số tiêu chí trên cơ sở lựa chọn các chỉ số tiêu chí Nhóm II và Nhóm III ban hành theo Quyết định này để thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro, phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT cho phù hợp với đặc điểm NNT và phù hợp với công tác quản lý từng địa phương. Trường hợp Cục Thuế lựa chọn, xây dựng thêm Bộ chỉ số tiêu chí, Cục Thuế có văn bản báo cáo gửi về Tổng cục Thuế (qua Ban Quản lý rủi ro) để xem xét quyết định thực hiện.

Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế không chỉ là một xu thế tất yếu khách quan mà còn phản ánh sự phù hợp với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa của ngành Thuế
Điều này bảo đảm sự thống nhất trong công tác hoàn thuế GTGT, giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của cán bộ thuế và cơ quan thuế vào quá trình quyết định các biện pháp đối với NNT. Đồng thời, việc này còn giúp nâng cao tính công khai và minh bạch trong hệ thống thuế, vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để NNT tự nguyện tuân thủ tốt các quy định về thuế, góp phần phòng chống gian lận, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *