1. Gộp sổ bảo hiểm xã hội là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định như sau:
Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp của các sổ BHXH vào sổ mới.
Như vậy, về nguyên tắc và theo quy định của pháp luật thì mỗi người lao động chỉ được sở hữu duy nhất 01 sổ bảo hiểm xã hội.
Người lao động có 2 sổ bảo hiểm xã hội sẽ gặp khó khăn trong việc hưởng các chế độ BHXH. Do đó, cần phải làm thủ tục gộp các sổ BHXH thành 1 sổ duy nhất, điều này sẽ giúp cơ quan BHXH dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc quản lý và ghi nhận quá trình đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
2. Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội năm 2022
Trước khi làm thủ tục gộp hồ sơ BHXH, người lao động cần kiểm tra lại các thông tin cá nhân của người tham gia bao gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch trên các sổ BHXH và có thể xảy ra 2 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Thông tin cá nhân người lao động trùng khớp => thực hiện kiểm tra tiếp quá trình đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp 2: Thông tin cá nhân người tham gia khác nhau => làm hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân để thông tin trên 2 sổ BHXH trùng khớp.
2.1. Hồ sơ làm thủ tục gộp sổ BHXH
Căn cứ theo điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định hồ sơ làm thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội bao gồm:
Mẫu TK1-TS: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (đối với người lao động);
Mẫu D01-TS: Bảng kê thông tin (đối với doanh nghiệp).
Sổ BHXH (tất cả các sổ mà người lao động có);
Đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH (đối với người lao động);
2.2. Làm thủ tục gộp sổ BHXH ở đâu?
Về địa điểm làm thủ tục và nộp hồ sơ gộp sổ BHXH Người lao động cần đến Cơ quan BHXH cấp quận/huyện nơi người lao động tham gia bảo hiểm hoặc nơi thường trú đối với lao động đã ngừng tham gia BHXH, BHYT.
2.3. Quy trình làm thủ tục gộp sổ BHXH
Bước 1: Người lao động nộp hồ sơ
Khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trong hồ sơ nêu trên thì người lao động nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động nơi mình đang làm việc hoặc có thể nộp trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi thường trú.
Bước 2: Cơ quan BHXH tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Trong vòng không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định thì trường hợp cơ quan cần xác minh quá trình đóng BHXH ở các tỉnh khác nhau hoặc ở nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày (có văn bản thông báo cho người lao động biết) thì người lao động được cấp sổ BHXH mới.