PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH 

Tài chính được xem như điều kiện tiên quyết đầu tiên cho việc tồn tại của mỗi doanh nghiệp. Để có được các chiến lược kinh doanh phù hợp thì bản thân lãnh đạo đơn vị phải có hiểu biết chính xác về các tiềm năng tài tài chính doanh nghiệp mình, và phân tích báo cáo tài chính là công việc giúp các nhà quản lý nắm được điều đó. 

1. Các báo cáo tài chính 

Một trong những nguồn thông tin nội bộ quan trọng nhất của doanh nghiệp là các báo cáo tài chính 

  • Bảng cân đối kế toán  

Bảng cân đối kế toán của công ty phản ánh bức tranh về tất cả nguồn lực nội bộ của doanh nghiệp (được gọi là nợ và vốn chủ sở hữu) và việc sử dụng các nguồn lực này tại một thời điểm nhất định thể hiện thông qua phương trình: 

Tổng tài sản = Tổng nợ + vốn chủ sở hữu 

Về nguyên tắc các khoản mục trong bản cân đối kế toán được sắp xếp theo thứ tự tính thanh khoản giảm dần. 

Ví dụ :Nhóm tài sản lưu động đầu tiên sẽ là tiền mặt, các chứng khoán thị trường, các khoản phải thu, nguyên vật liệu, sản phẩm dở dang, thành phẩm. 

Nhóm còn lại được gọi là nhóm tài sản dài hạn, nhóm này thường có tinh thanh khoản chậm như văn phòng, nhà kho, máy móc thiết bị… bảng cân đối kế toán không cập nhật giá thị trường của các khoản này, thay vào đó người ta ghi nhận giá trị nguyên thủy của tài sản và khấu trừ hàng năm một khoản giá trị cố định được gọi là khấu hao. 

Trong thực tế một vài tài sản có giá trị nhất lại là tài sản vô hình như bản quyền, danh tiếng, kỹ năng quản lý và lực lượng lao động lành nghề thường không được phản ánh vào bảng cấn đối kế toán. Các nhà quản lý và nhân viên kế toán thường cân nhắc khi ghi nhận các khoản mục này vào bảng cân đối kế toán trừ khi chúng được xác định và đánh giá một cách chính xác.  

Phần bên phải của bảng cân đối kế toán cho thấy nguồn tiền nào dùng để mua tài sản. Trước tiên đó là các khoản nợ phải trả trong năm gọi là nợ ngắn hạn, chênh lệch giữa tài sản lưu động và nợ ngắn hạn được gọi là vốn luân chuyển ròng. Tiếp theo là các khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp do phát hành trái phiếu hay vay trực tiếp từ ngân hàng, phần còn lại là vốn cổ phần. Vốn cổ phần của doanh nghiệp  đơn giản chỉ là tổng giá trị của vốn luân chuyển ròng và tài sản cố định trừ cho nợ dài hạn. Một phần vốn cổ phần có được là do bán cổ phần cho các nhà đầu tư, phần còn lại là từ lợi nhuận giữ lại để các cổ đông tái đầu tư vào doanh nghiệp. 

  • Bảng báo cáo thu nhập  

Nếu bảng cân đối kế toán cho thấy bức tranh về tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể thì báo cáo thu nhập giống như cuộn phim ghi lại toàn bộ cách doanh nghiệp thu lợi nhuận thế nào trong suốt năm tài chính đã qua. 

  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ 

Quá trình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp được thực hiện thông qua các hoạt động mà doanh nghiệp tiến hành: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính. Dòng tiền phát sinh từ hoạt động kinh doanh bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra liên quan đến quá trình thanh toán với người mua, người bán, người lao động… Dòng tiền phát sinh từ hoạt động đầu tư bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến việc đầu tư, mua sắm, xây dựng, nhượng bán, thanh lý tài sản cố định và các tài sản dài hạn cùng các khoản đầu tư tài chính khác không thuộc các khoản tương đương tiền. 

Dòng tiền phát sinh từ hoạt động tài chính bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến tăng, giảm vốn chủ sở hữu (nhận góp vốn, phát hành cổ phiếu, chi trả vốn góp, mua lại cổ phiếu quỹ) và nợ phải trả (tiền vay ngắn hạn, vay dài hạn đã nhận; tiền chi trả nợ gốc vay đã trả; tiền chi trả nợ thuê tài chính đã trả; cổ tức, lợi nhuận đã chi trả cho chủ sở hữu). 

Về bản chất, quá trình lưu chuyển tiền tệ trong doanh nghiêp dựa trên quan hệ cân đối của dòng tiền trong kỳ và được thể hiện qua phương trình: 

Tiền tồn đầu kỳ + Tiền thu trong kỳ = Tiền chi trong kỳ + Tiền tồn cuối kỳ 

Đối với doanh nghiêp, dòng tiền (luồng tiền vào, ra trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ) đặc biệt quan trọng. Nhờ có dòng tiền, doanh nghiêp mới có thể thực hiện được các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch đầu tư, có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, thay thế và trang bị các tài sản cần thiết, tận dụng được các cơ hội của thị trường. Cũng nhờ có dòng tiền, doanh nghiệp mới đảm bảo khả năng thanh toán và tránh lâm vào tình trạng phá sản. 

2. Các loại tỷ số tài chính thường được sử dụng khi phân tích báo cáo tài chính 

  • Tỷ số thanh toán đo lường khả năng thanh toán của doanh nghiệp. 
  • Tỷ số hoạt động đo lường mức độ hoạt động liên quan đến tài sản của doanh nghiệp. 
  • Tỷ số đòn bẩy cho thấy việc sử dụng nợ của doanh nghiệp có ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. 
  • Tỷ số sinh lời biểu hiện khả năng tạo lãi của tài sản và vốn chủ sở hữu. 
  • Tỷ số giá thị trường cho thấy doanh nghiệp được các nhà đầu tư đánh giá thế nào? 

3. Các phương pháp phân tích báo cáo tài chính thường áp dụng hiện nay

  • Phương pháp phân tích ngang và dọc 

Khi sử dụng phương pháp phân tích theo chiều ngang, thông tin tài chính sẽ được so sánh theo một chuỗi các kỳ báo cáo. 

Khi sử dụng phương pháp phân tích theo chiều dọc, chúng ta có thể phân tích thông tin tài chính theo tỉ lệ trong đó mỗi mục hàng trên báo cáo tài chính được ghi lại dưới dạng tỷ lệ của một mục khác. 

  • Phương pháp phân tích theo tỷ lệ 

Tỷ lệ được sử dụng để tính toán kích thước so sánh của một số bên liên quan đến một số khác. 

Sau khi tính tỷ lệ, nó có thể được sử dụng để so sánh tỷ lệ tương tự được tính cho giai đoạn trước hoặc tỷ lệ được thiết lập trung bình của một ngành cụ thể nhằm xác định xem hiệu suất của công ty có đúng với kỳ vọng được đặt ra hay không. 

Trong một bài tập phân tích tài chính điển hình, phần lớn các tỷ lệ sẽ nằm trong các kỳ vọng được đặt ra trong khi một vài tỷ lệ sẽ làm nổi bật các vấn đề tiềm tàng, từ đó thu hút sự chú ý của người đánh giá. 

Trong bài viết sau chúng tôi sẽ cung cấp cho người đọc một chuyên đề về việc phân tích các chỉ số tài chính ở mục 2 nói ở trên. 

  • Phương pháp phân tích xu hướng 

Phương pháp này đòi hỏi phải xem xét báo cáo tài chính từ 3 giai đoạn trở lên, cũng là một phần mở rộng của phân tích theo chiều ngang

Năm đầu tiên trong dữ liệu tập hợp đại diện cho năm cơ sở. Trong phân tích theo xu hướng, người dùng đánh giá các báo cáo cho các mô hình thay đổi gia tăng. Một sự thay đổi trong báo cáo tài chính có thể chỉ ra rằng có thu nhập tăng hoặc giảm chi phí. 

4. Một số vấn đề gặp phải khi phân tích báo cáo tài chính 

Mặc dù phân tích tài chính là con đường sáng giá để có được thông tin là cơ sở có quyết sách của các nhà quản trị, nhà đầu tư, nhưng không hẳn đây là công cụ toàn năng mà không tiềm ẩn những sai lầm. 

Thứ nhất: do sự khác biệt giữa giá trị sổ kế toán và giá thị trường của các loại tài sản và nguồn vốn nhất là trong điều kiện lạm phát cao. Điều này đã bóp méo các báo cáo tài chính kéo theo tính không chính xác của các chỉ số tài chính. 

Thứ hai: do các nguyên tắc kế toán phổ biến được sử dụng đã làm cho việc xác định thu nhập của doanh nghiêp không đúng với giá trị thật của nó. Chẳng hạn như việc áp dụng phương pháp khấu hao nhanh đã làm cho lợi nhuận của những năm đầu rất ít hoặc không có, điều này không phải do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. 

Mặc dù vậy việc hiểu biết bản thân doanh nghiệp thông qua các phân tính chỉ số tài chính, chỉ số hoạt động và các chỉ số sinh lợi ảnh hưởng rất lớn đến sự thành bại của nhà đầu tư. 

Hy vọng bài viết này cung cấp thêm cho người đọc công cụ hữu ích để hiểu về doanh nghiệp mình. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *