Trong hoạt động thương mại quốc tế, ủy thác nhập khẩu là một phương thức phổ biến mà các doanh nghiệp sử dụng để tối ưu hóa quy trình nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, việc ủy thác này không chỉ đơn giản là chuyển giao công việc nhập khẩu mà còn đi kèm với nhiều trách nhiệm pháp lý, đặc biệt là nghĩa vụ về thuế nhập khẩu. Để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và tránh những rủi ro không đáng có, các bên liên quan cần nắm rõ trách nhiệm thuế nhập khẩu khi ủy thác nhập khẩu. Bài viết này sẽ làm rõ các khía cạnh liên quan đến trách nhiệm thuế nhập khẩu trong hoạt động ủy thác nhập khẩu, từ đó giúp doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ thuế và quản lý hiệu quả quy trình nhập khẩu của mình.
1/ Trách nhiệm của các bên khi làm ủy thác nhập khẩu:
a. Bên ủy thác nhập khẩu:
– Cung cấp đầy đủ thông tin về loại hàng, model, thông số kỹ thuật… để người nhận ủy thác đặt hàng.
– Phối hợp với bên nhận ủy thác để đàm phán hợp đồng với đối tác.
– Chuyển tiền hàng đúng hạn để bên nhận ủy thác thanh toán cho bên xuất khẩu, hạn chế rủi ro.
– Phối hợp nhận hàng (ví dụ: cùng người ủy thác kiểm hóa tại cảng).
– Thanh toán phí dịch vụ ủy thác đầy đủ, đúng hạn.
b. Bên nhận ủy thác nhập khẩu:
– Đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà xuất khẩu nước ngoài.
– Chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập khẩu hàng.
– Thanh toán tiền cho bên bán đúng hạn.
– Khai và nộp các loại thuế cho hàng nhập khẩu,…
– Lưu giữ bộ chứng từ XNK: hợp đồng thương mại, hóa đơn, phiếu đóng gói…
– Xuất trả hàng đã nhập khẩu cho người ủy thác cùng với hóa đơn VAT cho hàng nhập, hóa đơn VAT cho phí dịch vụ ủy thác.
2. Trách nhiệm thuế nhập khẩu của các bên khi làm ủy thác nhập khẩu
Căn cứ theo Điều 3, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016, đối tượng nộp thuế nhập khẩu sẽ bao gồm:
“Điều 3. Người nộp thuế
1. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
2. Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
3. Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
4. Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế, bao gồm:
a) Đại lý làm thủ tục hải quan trong trường hợp người nộp thuế ủy quyền nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
b) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế;
c) Tổ chức tín dụng hoặc tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người nộp thuế;
d) Người được chủ hàng hóa ủy quyền trong trường hợp hàng hóa là quà biếu, quà tặng của cá nhân; hành lý gửi trước, gửi sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh;
đ) Chi nhánh của doanh nghiệp được ủy quyền nộp thuế thay cho doanh nghiệp;
e) Người khác được ủy quyền nộp thuế thay cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
5. Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà bán lại ở thị trường trong nước và thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở chợ biên giới theo quy định của pháp luật.
6. Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”
Vì vậy nếu thuê ủy thác nhập khẩu thì bên nhập khẩu chính là người trả thuế nhưng trên danh nghĩa pháp luật thì công ty làm dịch vụ nhận ủy thác nhập khẩu sẽ phải trả thuế nhập khẩu. (Người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa là đối tượng nộp thuế nhập khẩu)
Khi trả hàng uỷ thác nhập khẩu, bên nhận uỷ thác phải lập hoá đơn VAT. Căn cứ vào hoá đơn nhập khẩu, tờ khai hải quan và biên lai thu thuế VAT hàng nhập, bên nhận uỷ thác xuất hoá đơn VAT ghi theo giá thực nhập trong hoá đơn thương mại, riêng thuế nhập khẩu và thuế VAT theo số phải nộp (số thông báo thuế của cơ quan hải quan). Hoá đơn này làm cơ sở tính thuế đầu ra đối với bên nhận uỷ thác nhập khẩu và là thuế đầu vào của bên uỷ thác.