Để trở thành kế toán viên – kiểm toán viên chuyên nghiệp, một trong những chứng chỉ bạn cần có đó là chứng chỉ CPA. Và để có được chứng chỉ này, bạn cần phải đạt đủ các ĐIỀU KIỆN THI CPA. Ngoài việc phải học tập, tìm hiểu và tiến hành thi chứng chỉ, bạn cũng cần phải có những tố chất nhất định. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, cùng Kiểm Toán 3M theo dõi thông tin sau.
1. Chứng chỉ CPA là gì?
CPA (Certified Public Accountants) – những kế toán viên công chứng được cấp phép) là những người hành nghề kế toán – kiểm toán được công nhận bởi các Hiệp hội nghề nghiệp trong nước hoặc quốc tế.
CPA Việt Nam là một chứng chỉ hành nghề của kiểm toán viên. Với chứng chỉ này bạn mới được xem là một kiểm toán viên, có quyền điều hành hoạt động kiểm toán và ký báo cáo kiểm toán tại Việt Nam, so với thời gian trước đó chỉ là trợ lý kiểm toán viên – thực hiện các công việc đơn giản như kiểm tra chứng từ, sổ sách, tham gia kiểm kê…
2. Lợi ích khi có chứng chỉ kiểm toán viên CPA
Khi đã sở hữu chứng chỉ này, bạn được công nhận là một kiểm toán viên chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên môn vững vàng và có các kỹ năng cần thiết bởi cơ quan có thẩm quyền trong nước.
Không chỉ được công nhận ở Việt Nam mà CPA Việt Nam còn được Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) và CPA Úc (CPA Australia) công nhận từng phần. Người đã có chứng chỉ CPA Việt Nam sẽ được miễn 4/14 môn thi khi lấy chứng chỉ ACCA và được miễn 3/12 khi đi lấy chứng chỉ CPA Úc. Đây là các chứng chỉ kiểm toán có giá trị ở nhiều nước trên thế giới. Điều này có nghĩa là trình độ của bạn cũng đã được quốc tế công nhận một phần. Một số người có CPA Việt Nam sau một thời gian làm việc đạt được trình độ và kinh nghiệm thực tế nhất định cũng được CPA Úc thừa nhận và cấp chứng chỉ CPA Úc. Chắc chắn không một nhà tuyển dụng nào muốn bỏ lỡ một ứng viên đầy tiềm năng như vậy.
Có cơ hội làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty lớn trong nước và quốc tế, cơ hội thăng tiến cao.
Mở rộng đường sự nghiệp, nâng cao giá trị bản thân.
Có thể tự thành lập công ty, doanh nghiệp riêng liên quan đến lĩnh vực dịch vụ kế toán, kiểm toán.
3. Điều kiện tham dự kỳ thi chứng chỉ kiểm toán viên CPA
Người dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên, chứng chỉ kế toán viên phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác với tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế từ 7% trở lên trên tổng số học trình (hoặc tiết học) cả khóa học; hoặc có bằng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có văn bằng, chứng chỉ hoàn thành các khoá học do Tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán cấp bảo đảm các quy định tại Điều 9 Thông tư số 91/2017/TT-BTC.
Tổng số đơn vị học trình (hoặc tiết học) các môn học được hiểu là:
– Tổng số đơn vị học trình chỉ tính phần học lý thuyết và bài tập của các môn học, không tính số tiết quy đổi đơn vị học trình của báo cáo thực tập, báo cáo kiến tập, báo cáo thu hoạch của người học;
– Trường hợp bảng điểm đại học của người đăng ký dự thi không ghi rõ số đơn vị học trình mà chỉ ghi số tiết học của các môn học thì tổng số tiết học của các môn học: Tài chính, Kế toán, Kiểm toán, Phân tích hoạt động tài chính, Thuế phải từ 7% tổng số tiết học của khóa học trở lên.
- Số học trình (hoặc tiết học) của các môn Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công, Tài chính quốc tế…được tính là số học trình (tiết học) môn Tài chính.
- Số học trình (hoặc tiết học) các môn Phân tích hoạt động kinh doanh, Phân tích hoạt động kinh tế…được tính là số học trình (tiết học) môn Phân tích hoạt động tài chính.
Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, được tính trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp ghi trên bằng tốt nghiệp đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi. Thời gian công tác thực tế về kiểm toán bao gồm thời gian làm trợ lý kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán, thời gian làm kiểm toán nội bộ tại bộ phận kiểm toán nội bộ của đơn vị, thời gian làm kiểm toán tại cơ quan Kiểm toán Nhà nước;
Về thời gian thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán được tính cộng dồn theo các thời gian công tác có xác nhận trên các Giấy xác nhận thời gian thực tế làm tài chính, kế toán, kiểm toán, xét trong khoảng thời gian từ tháng tốt nghiệp (ghi trên bằng đại học hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi.
Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ dự thi và chi phí dự thi theo quy định;
Không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật kế toán năm 2015.
- Người chưa thành niên;
- Người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;
- Người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
4. Điều kiện để nhận chứng chỉ kiểm toán viên CPA
Người dự thi chứng chỉ kiểm toán viên CPA phải đạt 38 điểm trở lên (trừ môn ngoại ngữ chỉ xét đạt), trong đó mỗi môn không được dưới 5 điểm với các môn sau:
- Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp
- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao
- Thuế và quản lý thuế nâng cao
- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao
- Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao
- Phân tích hoạt động tài chính nâng cao
- Ngoại ngữ trình độ C của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức
Đối với người đã có Chứng chỉ hành nghề kế toán muốn dự thi lấy Chứng chỉ kiểm toán viên CPA phải đạt 12,5 điểm trở lên (trừ môn môn ngoại ngữ chỉ xét đạt), trong đó mỗi môn không được dưới 5 điểm với các môn sau:
- Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao;
- Phân tích hoạt động tài chính nâng cao;
- Ngoại ngữ (trình độ C): 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức.
Thời gian cho mỗi môn thi là 180 phút. Riêng môn ngoại ngữ là 120 phút.
Người dự thi lấy chứng chỉ kế toán viên thi 4 môn thi sau:
- Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp;
- Tài chính và quản lý tài chính nâng cao;
- Thuế và quản lý thuế nâng cao;
- Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao.
Bên cạnh những yếu tố về kiến thức, kinh nghiệm, bạn cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Với nghề nghiệp kiểm toán, bạn cần phải có sự trung thực và liêm khiết.
Mọi công việc, quá trình kiểm toán phải được thực hiện theo đúng quy định của nhà nước. Nếu nói kiểm toán viên là một khía cạnh nhỏ đại diện cho nhà nước thì cũng không sai.
Bài viết đã cung cấp khá đầy đủ các điều kiện cần thiết để THI KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC mà Kiểm Toán 3M chia sẻ. Nếu bạn đang có nhu cầu thi lấy chứng chỉ kiểm toán thì không nên bỏ qua bài viết này.