KIỂM KÊ HÀNG TỒN KHO TẠI NGÀY KHÁC VỚI NGÀY KẾT THÚC KỲ KẾ TOÁN 

– Theo đoạn 04 Chuẩn mực kiểm toán số 501: Bằng chứng kiểm toán đối với các khoản mục và sự kiện đặc biệt: 

“Trường hợp hàng tồn kho được xác định là trọng yếu đối với báo cáo tài chính thì kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về sự hiện hữu và tình trạng của hàng tồn kho bằng cách: 

(a)        Tham gia kiểm kê hiện vật hàng tồn kho, trừ khi việc tham gia là không thể thực hiện được, nhằm (xem hướng dẫn tại đoạn A1 – A3 Chuẩn mực này): 

(i)          Đánh giá các hướng dẫn và thủ tục của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán đối với việc ghi chép và kiểm soát kết quả kiểm kê hiện vật hàng tồn kho của đơn vị (xem hướng dẫn tại đoạn A4 Chuẩn mực này); 

(ii)       Quan sát việc thực hiện các thủ tục kiểm kê theo quy định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A5 Chuẩn mực này); 

(iii)     Kiểm tra hàng tồn kho (xem hướng dẫn tại đoạn A6 Chuẩn mực này); 

(iv)     Thực hiện kiểm kê chọn mẫu (xem hướng dẫn tại đoạn A7 – A8 Chuẩn mực này); 

(b)    Thực hiện các thủ tục kiểm toán đối với các sổ kế toán ghi chép cuối cùng về hàng tồn kho của đơn vị để xác định liệu các sổ kế toán này có phản ánh chính xác kết quả kiểm kê hàng tồn kho thực tế hay không.” 

– Trường hợp việc kiểm kê hiện vật hàng tồn kho được tiến hành tại ngày khác với ngày kết thúc kỳ kế toán thì ngoài các thủ tục quy định tại đoạn 04 Chuẩn mực này, kiểm toán viên còn phải thực hiện các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán về việc liệu những biến động hàng tồn kho giữa ngày thực hiện kiểm kê và ngày kết thúc kỳ kế toán có được ghi chép đúng đắn hay không: 

+ Trong cả hai trường hợp, đơn vị kiểm kê hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên hay kiểm kê định kỳ, hiệu quả của việc thiết kế, thực hiện và duy trì các kiểm soát đối với sự biến động của hàng tồn kho sẽ quyết định liệu việc tiến hành kiểm kê hiện vật hàng tồn kho tại ngày khác với ngày kết thúc kỳ kế toán có phù hợp với mục tiêu kiểm toán hay không. Đoạn 22 – 23 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 330 quy định và hướng dẫn các thử nghiệm cơ bản được thực hiện tại một ngày giữa kỳ. 

+ Khi áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên để hạch toán hàng tồn kho, đơn vị có thể thực hiện kiểm kê hiện vật hoặc các thử nghiệm khác để kiểm tra độ tin cậy của thông tin về số lượng hàng tồn kho được ghi trong sổ kế toán hàng tồn kho thường xuyên của đơn vị. Trong một số trường hợp, Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán hoặc kiểm toán viên có thể phát hiện ra sự khác biệt giữa sổ kế toán hàng tồn kho thường xuyên và số lượng hiện vật hàng tồn kho thực tế; điều này có thể cho thấy các kiểm soát đối với sự biến động của hàng tồn kho hoạt động không hiệu quả. 

+ Khi thiết kế các thủ tục kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán về việc liệu các biến động trong số lượng hàng tồn kho giữa ngày kiểm kê và sổ kế toán hàng tồn kho cuối cùng có được ghi chép đúng đắn hay không, các vấn đề liên quan mà kiểm toán viên cần xem xét bao gồm: 

(1)        Sổ kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên có được điều chỉnh đúng đắn hay không; 

(2)        Độ tin cậy của sổ kế toán hàng tồn kho của đơn vị; 

(3)        Lý do của các khác biệt đáng kể giữa các thông tin thu thập được trong quá trình kiểm kê hiện vật và sổ kế toán hàng tồn kho. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *